icon close
VN
icon select down
       
Đặt lịch hẹn
icon bar

TRÀO NGƯỢC DẠ DÀY THỰC QUẢN – NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG VÀ PHÒNG NGỪA

  • Tác giả: BỆNH VIỆN ĐA KHOA QUỐC TẾ NAM SÀI GÒN

  • time 31/08/2023
  • eye12.595

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) hay còn gọi trào ngược axit dạ dày là một bệnh tiêu hóa mãn tính thường gặp, gây ra chứng ợ nóng, ợ hơi, ợ chua hay khó tiêu.

Tư vấn chuyên môn bài viết

BS.CKI NGUYỄN LÂM VĨNH PHÚC

Bác sĩ Nội Tổng quát.

Tỷ lệ bệnh tái phát cao và tiến triển nặng chủ yếu do thói quen sinh hoạt, lối sống không khoa học. Cùng tìm hiểu thông tin về bệnh trào ngược dạ dày thực quản qua bài viết được tham khảo ý kiến chuyên môn từ BS.CKI Nguyễn Lâm Vĩnh Phúc – Phó trưởng khoa Nội tổng hợp – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn.

1. Trào ngược dạ dày thực quản là gì?

Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) xảy ra khi dịch vị từ dạ dày trào ngược lên thực quản gây ra các triệu chứng khó chịu. Điều này xảy ra khi cơ vòng dưới thực quản – một cơ vòng đóng mở để thức ăn đi xuống dạ dày – không đóng kín hoàn toàn. Khi đó, axit dạ dày có thể trào ngược lên thực quản, gây tổn thương niêm mạc và các triệu chứng khó chịu.

Các nguyên nhân gây ra tình trạng trên gồm: giãn tạm thời, giảm áp lực cơ thắt thực quản dưới,  nhu động thực quản quá yếu, cấu tạo giải phẫu của thực quản bất thường…  Các chất dịch trong dạ dày như HCl, pepsin, dịch mật… trào ngược lên thực quản, kích thích niêm mạc thực quản, gây ra các triệu chứng và biến chứng của bệnh.

2. Trào ngược dạ dày thực quản thường gặp ở nhóm đối tượng nào?

Nhóm người có nguy cơ cao mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản, bao gồm:

  • Người thừa cân, béo phì
  • Phụ nữ mang thai: đặc biệt trong 3 tháng cuối của thai kỳ, khi tử cung mở rộng sẽ chèn ép vào bộ phận tiêu hóa gây ra các triệu chứng trào ngược.
  • Người hút thuốc lá: sẽ giảm bài tiết nước bọt, giảm trương lực cơ thắt thực quản dưới, kích thích niêm mạc dạ dày.
  • Người có chế độ ăn uống và thói quen không lành mạnh như ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều chất béo, dầu mỡ, uống nhiều rượu bia, ăn khuya, nằm ngay sau khi ăn…
  • Người có bất thường về cấu trúc: người bị thoát vị hoành, liệt dạ dày…
  • Người có căng thẳng trong công việc và cuộc sống sẽ khiến cho cơ thể tăng tiết cortisol – gây tăng axit trong dạ dày, tăng trương lực co bóp của dạ dày, đẩy dịch từ dạ dày trào ngược lên thực quản. Thêm vào đó, căng thẳng còn gây rối loạn nhu động thực quản khiến cho cơ thắt thực quản dưới trở nên nhạy cảm, dẫn đến việc giãn – mở cơ diễn ra thường xuyên làm dịch vị trào ngược từ dạ dày lên thực quản.

trào ngược dạ dày là gì

3. Biểu hiện của trào ngược dạ dày thực quản

  • Ợ nóng, ợ hơi, ợ chua đặc biệt thường xảy ra vào ban đêm.
  • Buồn nôn, nôn: Thường xuất hiện khi ăn quá no hoặc nằm ngay sau khi ăn.
  • Đau, tức ngực: Người bệnh có cảm giác bị đè ép, thắt ở ngực, lan đến lưng và cánh tay. Đây cũng là nguyên nhân khiến bệnh trào ngược dạ dày – thực quản dễ bị nhầm lẫn với các bệnh tim mạch.
  • Khó nuốt, nuốt nghẹn: Bệnh trào ngược dạ dày thực quản khi trở nặng, axit dạ dày sẽ trào ngược lên với tần suất liên tục gây phù nề, sưng tấy niêm mạc thực quản. Vì thế bệnh nhân có cảm giác khó nuốt, nuốt nghẹn và vướng ở cổ.
hiện tượng trào ngược dạ dày
  • Đau họng, ho kéo dài, khàn tiếng: Người bị trào ngược dạ dày thực quản có thể bị khàn giọng và ho liên tục. Hiện tượng này là do dây thanh quản khi tiếp xúc với axit dạ dày làm cho sưng tấy.
  • Miệng tiết ra nhiều nước bọt: Đây là phản xạ tự nhiên do dư lượng axit từ thực quản trào lên, nước bọt sẽ tiết ra nhiều hơn bình thường để trung hòa axit.
  • Đắng miệng: Trong quá trình trào ngược dạ dày, dịch mật có thể xâm nhập vào dạ dày rồi trào lên trên khiến người bệnh cảm thấy đắng miệng.

[VTV9] Bệnh lý trào ngược họng – thanh quản? – ThS.BS.CKII Nguyễn Trương Khương

4. Biến chứng của trào ngược dạ dày thực quản

Trào ngược dạ dày thực quản nếu diễn tiến trong thời gian dài, không được điều trị đúng cách sẽ gây ra nhiều biến chứng, thậm chí ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh.

Một số biến chứng thường gặp của trào ngược dạ dày thực quản:

  • Viêm thực quản: Là biến chứng phổ biến thường gặp ở 50% bệnh nhân bị trào ngược dạ dày. Dịch dạ dày trào lên thực quản thường xuyên sẽ làm tổn thương niêm mạc thực quản, gây viêm. Người bệnh gặp các triệu chứng như: khó nuốt, nuốt đau, đau ngực, đặc biệt đau phía sau xương ức khi ăn uống, buồn nôn, ói mửa, mất cảm giác thèm ăn.
  • Hẹp thực quản: Trào ngược là một trong những nguyên nhân chính gây ra hẹp thực quản. Người bệnh sẽ có một số biểu hiện như đau ngực, khó nuốt, vướng nghẹn vùng cổ…
  • Barrett thực quản (tiền ung thư thực quản): Đây là một biến chứng cực kỳ nguy hiểm. Barrett thực quản là tình trạng các tế bào lót ở vùng thấp thực quản bị biến đổi màu sắc do sự tiếp xúc lặp đi lặp lại với axit dạ dày. Chỉ xảy ra ở 8-15% bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản kéo dài.
  • Ung thư biểu mô tuyến thực quản: Là biến chứng hiếm gặp nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh, thường gặp ở những bệnh nhân trên 50 tuổi. Giai đoạn đầu, bệnh không có triệu chứng cụ thể. Khi đến giai đoạn phát triển, người bệnh sẽ có các triệu chứng như nuốt nghẹn, đau sau xương ức, khàn tiếng, ho khan, đau ngực, sụt cân bất thường… Khi gặp các triệu chứng bất thường, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Biến chứng của trào ngược dạ dày thực quản

5. Điều trị trào ngược dạ dày thực quản

5.1 Điều trị bằng thuốc

Điều trị bằng thuốc là phương pháp phổ biến và hiệu quả nhất trong việc kiểm soát các triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản. Một số nhóm thuốc chính bao gồm:

  • Thuốc ức chế bơm proton (PPI): Đây là nhóm thuốc mạnh nhất giúp giảm sản xuất acid trong dạ dày. Một số loại như Omeprazole, Esomeprazole và Pantoprazole thường được sử dụng để điều trị GERD.
  • Thuốc kháng thụ thể histamin H2: Như Ranitidine hay Famotidine, thuốc này giúp giảm tiết acid dạ dày và cải thiện các triệu chứng. Tuy nhiên, hiện nay, nhóm thuốc này ít được sử dụng hơn PPI do một số tác dụng phụ.
  • Thuốc trung hòa acid: Các thuốc như Maalox hay Gaviscon giúp trung hòa acid dạ dày, nhanh chóng làm giảm cảm giác khó chịu.
    Điều quan trọng là người bệnh cần tuân theo chỉ định của bác sĩ để tránh các tác dụng phụ có thể lên hệ tiêu hóa.

5.2 Điều trị không dùng thuốc

Ngoài việc sử dụng thuốc, có những biện pháp không dùng thuốc giúp kiểm soát triệu chứng GERD hiệu quả:

  • Chế độ ăn uống:

Tránh thực phẩm kích ứng: Hạn chế ăn các thực phẩm cay, béo, có caffeine và có axit như cam quýt.
Giảm cân: Nếu bạn thừa cân, giảm cân có thể giúp giảm triệu chứng GERD.
Chia nhỏ bữa ăn, ăn nhiều lần: Thay vì ăn ba bữa lớn, hãy ăn nhiều bữa nhỏ hơn trong ngày.

  • Thay đổi sinh hoạt:

Tập thói quen ngủ: Nâng cao đầu giường từ 10-15 cm hoặc dùng gối chống trào ngược khi ngủ có thể giúp hạn chế tình trạng acid dạ dày trào ngược.
Không nằm ngay sau khi ăn: Đợi ít nhất 2-3 giờ sau bữa ăn trước khi đi ngủ.
Không hút thuốc: Khói thuốc làm suy yếu van thực quản, tăng nguy cơ trào ngược.

Các thói quen này có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong việc giảm triệu chứng.

5.3 Phẫu thuật điều trị

Trong những trường hợp nặng hoặc không đáp ứng điều trị nội khoa, phẫu thuật có thể được bác sĩ Ngoại khoa chỉ định.
Người bệnh nên thăm khám để xác định tình trạng và lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp.

6. Phòng ngừa trào ngược dạ dày thực quản

Trào ngược dạ dày thường có tỉ lệ tái phát rất cao, khoảng 70% bệnh nhân bị tái phát trong vòng một năm. Vì vậy, bên cạnh việc điều trị bằng thuốc hoặc điều trị ngoại khoa (phẫu thuật), các bác sĩ sẽ tư vấn và đưa ra lời khuyên về thay đổi lối sống, bao gồm:

  • Duy trì cân nặng hợp lý
  • Không nên nằm ngay sau khi ăn no
  • Tránh ăn quá khuya hoặc ăn trước khi đi ngủ
  • Ngừng hút thuốc, vì hút thuốc sẽ làm suy yếu cơ vòng thực quản dưới. Khi đó, dịch vị trong dạ dày trào ngược lại thực quản gây ợ chua, làm tổn thương niêm mạc thực quản.
  • Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý: Người bị trào ngược không nên ăn quá no, các bữa ăn nên được chia nhỏ hợp lý, không sử dụng thức uống như rượu bia, cà phê, nước có gas. Hạn chế sử dụng thực phẩm nhiều dầu mỡ, chất béo (các sản phẩm sữa, nước thịt, dầu, bơ, nước trộn salad…). Thay vào đó, lựa chọn thực phẩm có tính kiềm: thực phẩm từ tinh bột như bánh mì, bột yến mạch hay đạm dễ tiêu…
  • Giữ tinh thần được thoải mái, tránh căng thẳng. Cần cân đối giữa công việc và các hoạt động giải trí thư giãn.

cách điều trị trào ngược dạ dày

Phòng khám Tiêu hóa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn là một trong những địa chỉ uy tín trong lĩnh vực chẩn đoán và điều trị các bệnh lý về tiêu hóa. Với đội ngũ bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm, cùng hệ thống trang thiết bị hiện đại, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, mang đến cho bệnh nhân những giải pháp điều trị hiệu quả và an toàn.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn có áp dụng Bảo hiểm y tếBảo hiểm sức khỏe.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn

Số 88, Đường số 8, Khu dân cư Trung Sơn, Xã Bình Hưng, Huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh

Số 88, Đường số 8, Khu dân cư Trung Sơn, Xã Bình Hưng, Huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh

1800 6767

Hotline: 1800 6767

info@nih.com.vn

info@nih.com.vn

GPĐKKD: 0312088602 cấp ngày 14/12/2012 bởi Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM. Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh số 230/BYT-GPHĐ do Bộ Y Tế cấp. GPĐKKD: 0312088602 cấp ngày 14/12/2012 bởi Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM. Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh số 230/BYT-GPHĐ do Bộ Y Tế cấp.

timeCập nhật lần cuối: 15:14 03/06/2025

Nguồn tham khảo down

https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%C3%A0o_ng%C6%B0%E1%BB%A3c_d%E1%BA%A1_d%C3%A0y_th%E1%BB%B1c_qu%E1%BA%A3n

https://www.webmd.com/heartburn-gerd/reflux-disease-gerd-1

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gerd/symptoms-causes/syc-20361940

https://www.healthline.com/health/gerd#potential-complications

backtotop
Gọi tổng đài Gọi tổng đài Đặt lịch hẹn Đặt lịch hẹn
Tư vấn