Thoái hóa đốt sống cổ không xảy ra đột ngột mà tiến triển âm thầm theo thời gian, bắt nguồn từ những thói quen tưởng chừng vô hại trong sinh hoạt và công việc hàng ngày.
Vì vậy, hiểu rõ thoái hóa đốt sống cổ qua bài viết dưới đây sẽ giúp bạn sớm nhận biết dấu hiệu bệnh ở những giai đoạn đầu, cũng như chọn phương án điều trị phù hợp và kịp thời. Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS.CKII Lê Trọng Nghĩa – Phó Trưởng khoa Ngoại Thần kinh – Cột sống, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn.
1. Thoái hóa đốt sống cổ là gì?
Cột sống cổ có 7 đốt sống (từ C1 đến C7), được kết nối với nhau bằng các đĩa đệm – những “bộ giảm xóc” tự nhiên giúp cổ linh hoạt và chịu lực tốt hơn khi chúng ta thực hiện các động tác sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, theo thời gian, các đốt sống, đĩa đệm, dây chằng và khớp ở cổ bắt đầu lão hóa. Đĩa đệm mất nước và giảm đàn hồi, dây chằng bị vôi hoá trở nên cứng hơn, vị trí dây chằng bám vào xương to ra và cứng hình thành nên các “gai xương”. [1]
Tất cả những thay đổi này gọi là thoái hóa đốt sống cổ, gây ra cảm giác đau nhức, cứng cổ, và khó khăn khi vận động. Tình trạng này thường xảy ra nhiều nhất ở hai đốt C5-C6 và C6-C7, vì đây là những vị trí chịu áp lực lớn khi xoay, cúi hoặc ngửa đầu.

Tình trạng cột sống cổ bị thoái hóa.
2. Thoái hóa đốt sống cổ có chữa được không?
Thoái hóa đốt sống cổ là một quá trình già đi không thể tránh khỏi của cơ thể, tuy nhiên tình trạng này có thể xuất hiện sớm hơn bình thường và gây ra những biến chứng nguy hiểm. Chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát những nguy cơ và biến chứng này nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Đa số người bệnh cải thiện rõ rệt nhờ các phương pháp bảo tồn như dùng thuốc, vật lý trị liệu và thay đổi lối sống. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển nặng gây chèn ép, làm tổn thương tủy sống, rễ thần kinh hoặc gây đau mà những phương pháp bảo tồn trên không còn hiệu quả, phẫu thuật trở thành giải pháp cần thiết để ngăn ngừa biến chứng nghiêm trọng. [2]
BS.CKII Lê Trọng Nghĩa – Phó Trưởng khoa Ngoại Thần kinh – Cột sống, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn cho biết: “Thoái hóa đốt sống cổ là bệnh lý phổ biến, có thể gặp ở cả người lớn tuổi và người trẻ. Tuy nhiên, nhờ sự phát triển của y học hiện đại, các kỹ thuật điều trị tiên tiến như phẫu thuật nội soi cột sống, can thiệp xâm lấn tối thiểu với ưu điểm ít đau, ít biến chứng và phục hồi nhanh đang được ứng dụng rộng rãi.
Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn, chuyên khoa Ngoại Thần kinh – Cột sống đã điều trị thành công cho hàng ngàn người bệnh bằng các phương pháp này, giúp họ giảm đau và phục hồi chức năng vận động vùng cổ.”
3. Nguyên nhân gây thoái hóa đốt sống cổ
Dưới đây là một số yếu tố chính gây ra tình trạng thoái hóa đốt sống cổ [3]:
3.1. Tuổi tác
Sau tuổi 30, đĩa đệm bắt đầu thoái hóa, làm giảm khả năng chịu lực khi sinh hoạt. Quá trình lão hóa tự nhiên là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến thoái hóa đốt sống cổ.
Ngoài ra, người trên 40 tuổi, đặc biệt phụ nữ sau mãn kinh (giảm estrogen) có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
3.2 Sinh hoạt, vận động sai tư thế
Ngồi cúi đầu lâu (dùng điện thoại, máy tính), ngủ gối quá cao hoặc xoay cổ đột ngột làm tăng áp lực lên đốt sống cổ, dễ dẫn đến thoái hóa đốt sống cổ.
Đặc biệt, tư thế “cúi cổ” thường xuyên này gây hội chứng “text neck”, đẩy nhanh thoái hóa đốt sống cổ ở người trẻ, đặc biệt là ở nhân viên văn phòng.

Cúi đầu làm việc liên tục trong thời gian dài gây thoái hóa cột sống cổ
3.3. Gai xương
Gai xương là phần xương mọc thêm tại rìa các đốt sống, hình thành như một phản ứng của cơ thể trước tình trạng thoái hóa kéo dài. Các dây chằng vốn dẻo dai giúp kết nối các đốt sống giờ đây cứng lại và phình to, kích thích quá trình lắng đọng canxi, thúc đẩy sự hình thành xương mới ở rìa các đốt sống, còn gọi là “gai xương”.
Ban đầu, gai xương có thể không gây triệu chứng. Tuy nhiên, khi phát triển đủ lớn, chúng có thể chèn ép vào rễ thần kinh hoặc tủy sống, gây ra đau cổ, tê bì cánh tay, giảm linh hoạt vận động cổ, thậm chí ảnh hưởng đến thăng bằng hoặc khả năng phối hợp tay chân nếu chèn ép vào tủy sống. Gai xương thường gặp ở người trên 50 tuổi hoặc những người từng bị chấn thương vùng cổ.
3.4. Đĩa đệm bị mất nước
Đĩa đệm mất nước và giảm đàn hồi khiến khả năng hấp thụ lực và phân tán áp lực giữa các đốt sống bị suy giảm. Tình trạng này làm tăng nguy cơ thoát vị đĩa đệm, đồng thời dễ dẫn đến chèn ép rễ thần kinh gây đau cổ, tê tay.
Đĩa đệm thoái hóa thường gặp ở người lớn tuổi, người ít vận động hoặc có tư thế sinh hoạt sai lệch kéo dài.
3.5. Dây chằng bị xơ hóa
Dây chằng quanh cột sống cổ bị xơ hóa khiến cấu trúc này trở nên cứng và kém đàn hồi, làm giảm độ linh hoạt của cổ. Tình trạng xơ hóa dây chằng thường đi kèm với thoái hóa đĩa đệm và sự hình thành gai xương, góp phần làm nặng thêm triệu chứng.
4. Triệu chứng thoái hóa đốt sống cổ
Thoái hóa đốt sống cổ thường diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng nên rất dễ bị bỏ qua. Chỉ đến khi bệnh chuyển sang giai đoạn tiến triển, người bệnh mới bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu rõ rệt dưới đây [4]:
4.1. Đau nhức
Đau âm ỉ hoặc dữ dội ở vùng cổ, vai gáy, thường tăng khi xoay cổ, cúi đầu hoặc ngửa đầu. Cơn đau có thể lan xuống cánh tay, bàn tay hoặc ngón tay, kèm theo cảm giác nóng rát hoặc châm chích.
4.2. Chi trên rối loạn cảm giác
Người bệnh có cảm giác tê bì, ngứa ran ở cánh tay, bàn tay hoặc ngón tay, giống như kiến bò. Một số người cảm thấy mất cảm giác ở ngón tay, đặc biệt khi cầm bút, gõ phím hoặc nắm đồ vật.
4.3. Cứng cổ vào buổi sáng
Cảm giác cổ “đơ”, khó xoay đầu, đặc biệt sau khi ngủ dậy. Triệu chứng này thường kéo dài 10-15 phút. Ngoài ra, khi xoay cổ, bạn có thể nghe tiếng “lục cục” do gai xương hoặc khớp bị thoái hóa.
Cứng cổ làm giảm phạm vi vận động, ảnh hưởng đến các hoạt động như lái xe, ngoái đầu ra sau.

Nếu ngủ dậy và cảm thấy cổ bị co cứng liên tục nhiều ngày, đó có thể là dấu hiệu đốt sống cổ đang bị thoái hóa
4.4. Dấu hiệu Lhermitte
Cảm giác như có luồng điện chạy dọc cột sống khi cúi đầu, kèm theo tê bì toàn thân hay yếu tay chân. Đây là dấu hiệu chèn ép tủy sống, thường gặp ở giai đoạn nặng của thoái hóa đốt sống cổ. Người bệnh cần sớm được thăm khám và điều trị trước khi xảy ra biến chứng liệt chi.
4.5. Các dấu hiệu thoái hóa đốt sống cổ khác
- Đau đầu: Đau vùng sau gáy, đôi khi kèm chóng mặt.
- Yếu cơ: Khó nâng tay, cầm nắm đồ vật hoặc viết chữ. Một số người cảm thấy tay yếu dần theo thời gian.
- Rối loạn tiểu tiện: Hiếm gặp, nhưng nếu chèn ép tủy sống nặng, có thể gây mất kiểm soát tiểu tiện hoặc đại tiện.
- Mất ngủ: Đau cổ vai gáy kéo dài làm gián đoạn giấc ngủ, ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe tổng thể.
5. Biến chứng do thoái hóa đốt sống cổ
Thoái hóa đốt sống cổ nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống như [5]:
- Thoát vị đĩa đệm cổ: Đĩa đệm trồi ra, gây đau, gây chèn ép dây thần kinh.
- Hẹp ống sống cổ: Đĩa đệm thoát vị, kèm dây chằng phì đại, vôi hóa, gai xương làm hẹp đường đi của tủy sống và dây thần kinh.
- Chèn ép dây thần kinh: Gây đau mãn tính, tê bì tay hoặc yếu cơ kéo dài, không thể cầm nắm đồ vật hoặc làm việc bình thường.
- Chèn ép tủy sống: Dẫn đến yếu cả tay và chân, khó đi lại, thậm chí liệt nếu không phẫu thuật kịp thời.
- Tâm lý bất ổn: Đau mãn tính và mất ngủ kéo dài có thể dẫn đến căng thẳng, lo âu, hoặc trầm cảm.
BS.CKII Lê Trọng Nghĩa cảnh báo: “Nhiều người đến khám tại Khoa Ngoại Thần kinh – Cột sống khi bệnh tiến triển nặng, dẫn đến biến chứng khó phục hồi. Phát hiện sớm và điều trị kịp thời là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe.”
6. Chẩn đoán bệnh thoái hóa đốt sống cổ
Chẩn đoán chính xác là bước quan trọng để bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Chẩn đoán thoái hóa đốt sống cổ bao gồm các phương pháp:
6.1. Khám lâm sàng
- Hỏi bệnh: Bác sĩ sẽ hỏi về triệu chứng đau, thời gian xuất hiện, tiền sử chấn thương (tai nạn, té ngã) và công việc hàng ngày của người bệnh.
- Kiểm tra vận động: Đánh giá phạm vi xoay cổ, cúi, ngửa đầu, sức mạnh cơ tay.
- Kiểm tra cảm giác: Đánh giá vị trí, mức độ rối loạn cảm giác.
- Kiểm tra phản xạ: Dùng búa phản xạ để kiểm tra phản xạ gân tay, đầu gối, nhằm đánh giá mức độ tổn thương dây thần kinh.
- Quan sát tư thế: Bác sĩ xem xét tư thế đứng, ngồi, đi lại để xác định xem dây thần kinh và tủy sống có đang chịu quá nhiều áp lực hay không.
6.2. Chỉ định cận lâm sàng
- Chụp X-quang: Giúp phát hiện gai xương, hẹp khe đốt sống hoặc dấu hiệu thoái hóa. Đây là phương pháp cơ bản để đánh giá cấu trúc xương. Ngoài ra, X-quang 2 tư thế cúi, ngửa giúp đối chiếu sự di lệch đốt sống ở 2 tư thế khác nhau.
- Chụp MRI: Cung cấp hình ảnh chi tiết về đĩa đệm, dây thần kinh và tủy sống, giúp xác định mức độ chèn ép. Đây là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán thoái hóa đốt sống cổ.
- Chụp CT Scan: Hình ảnh chi tiết về xương và đĩa đệm. Thường được chỉ định khi MRI không khả dụng, người bệnh có các bộ phận kim loại trong cơ thể hoặc bác sĩ cần đánh giá mức độ vôi hóa của dây chằng.
- Điện cơ (EMG): Đo hoạt động điện của cơ để đánh giá tổn thương thần kinh, đặc biệt trong trường hợp tê bì tay nặng.
Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn, các phương pháp chẩn đoán này được thực hiện với trang thiết bị hiện đại, đảm bảo kết quả chính xác và nhanh chóng, giúp tiết kiệm thời gian cho người bệnh.
7. Điều trị thoái hóa đốt sống cổ
7.1. Nguyên tắc điều trị
– Ưu tiên điều trị bảo tồn: Điều trị thoái hóa đốt sống cổ ưu tiên điều trị không phẫu thuật (dùng thuốc, vật lý trị liệu, thay đổi lối sống) để giảm đau, cải thiện vận động và ngăn bệnh tiến triển. Nếu các phương pháp bảo tồn thất bại, phẫu thuật là phương pháp tối ưu để điều trị dứt điểm thoái hóa đốt sống cổ.
– Cá nhân hóa: Phác đồ điều trị phù hợp với từng người bệnh, tùy thuộc vào mức độ bệnh, tuổi tác và sức khỏe tổng quát.
– Tuân thủ: Người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn bác sĩ để đạt hiệu quả lâu dài và tránh tái phát bệnh.
7.2. Các phương pháp điều trị
7.2.1. Thay đổi lối sống
Việc đầu tiên trong điều trị thoái hóa đốt sống cổ là thay đổi một số thói quen sinh hoạt, giúp giảm lực lên cột sống cổ. Một số thay đổi dưới đây có thể mang đến hiệu quả điều trị:
- Ngồi thẳng lưng, đặt màn hình máy tính ngang tầm mắt, tránh cúi cổ lâu khi dùng điện thoại.
- Dùng gối thấp (5-7cm) khi ngủ, tránh gối quá cao làm cong cột sống cổ.
- Đi bộ 20-30 phút/ngày trên địa hình bằng phẳng để tăng cường sự dẻo dai và cải thiện hệ hô hấp, tuần hoàn.
- Tránh các động tác xoay cổ đột ngột, đặc biệt khi đang đau.
7.2.2. Điều trị bằng thuốc
Để giảm triệu chứng đau, tê bì, khó chịu của thoái hóa đốt sống cổ, bác sĩ có thể kê một số loại thuốc giảm viêm, giảm đau, thuốc giãn cơ cho người bệnh.
Lưu ý: Chỉ dùng thuốc theo chỉ định bác sĩ để tránh tác dụng phụ như loét dạ dày, tổn thương gan.

Điều trị nội khoa giúp giảm các triệu chứng như đau, tê bì do thoái hóa cột sống cổ.
7.2.3. Vật lý trị liệu
Đây là phương pháp điều trị bảo tồn quan trọng, giúp giảm đau và cải thiện vận động cho người bị thoái hóa đốt sống cổ. Một số kỹ thuật phổ biến gồm:
– Bài tập giãn cơ cổ: Nghiêng đầu sang hai bên, giữ 10–15 giây, lặp lại 5 lần mỗi ngày; xoay cổ nhẹ nhàng giúp tăng độ linh hoạt.
– Máy TENS: Được sử dụng để kích thích điện qua da, giảm đau nhanh chóng; bên cạnh đó, siêu âm trị liệu giúp giảm viêm và tăng tuần hoàn máu vùng cổ.
– Kéo giãn cột sống cổ bằng thiết bị chuyên dụng: Nhằm giảm áp lực lên đĩa đệm, đặc biệt hiệu quả khi có hiện tượng chèn ép dây thần kinh.
Thông thường, người bệnh cần thực hiện vật lý trị liệu 2–3 buổi mỗi tuần trong vòng 6–8 tuần. Nếu kiên trì, khoảng 70–80% triệu chứng có thể được cải thiện rõ rệt.
7.2.4. Tiêm Corticosteroid ngoài màng cứng
Tiêm thuốc chống viêm (thường là corticoid) vào khu vực bị chèn ép dây thần kinh là phương pháp can thiệp ít xâm lấn, giúp giảm viêm và giảm đau nhanh chóng. Thủ thuật được thực hiện dưới hướng dẫn của hệ thống C-arm hiện đại hoặc siêu âm để đảm bảo chính xác vị trí tiêm. Phương pháp này hiệu quả trong điều trị triệu chứng, giúp người bệnh giảm đau, cải thiện tình trạng trong vòng 1–2 tuần sau tiêm.
Tuy nhiên, thuốc corticosteroid có thể gây một số tác dụng phụ như tăng đường huyết, giữ nước, loãng xương (nếu lạm dụng), vì vậy người bệnh cần thực hiện thủ thuật theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
7.2.5. Trị liệu thần kinh cột sống (Chiropractic)
Nắn chỉnh cột sống cổ là phương pháp dùng tay hoặc dụng cụ chuyên dụng để điều chỉnh các đốt sống bị lệch, giúp giảm áp lực lên đĩa đệm và cải thiện tư thế cột sống. Kỹ thuật này có thể giúp giảm đau cấp tính, tăng cường khả năng vận động và được xem là phù hợp với những trường hợp thoái hóa đốt sống cổ mức độ nhẹ đến trung bình.
Tuy nhiên, nắn chỉnh cột sống chỉ nên được thực hiện bởi các chuyên gia, kỹ thuật viên có chứng chỉ chuyên môn trong lĩnh vực thần kinh – cơ xương khớp. Tuyệt đối không áp dụng nếu người bệnh có dấu hiệu chèn ép tủy sống nặng, thoát vị đĩa đệm lớn hoặc có loãng xương nặng.
7.2.6. Phẫu thuật điều trị các biến chứng của thoái hóa đốt sống cổ
Phẫu thuật thay đĩa đệm cột sống cổ, có hoặc không có hàn xương cố định cột sống
Phẫu thuật “thay đĩa đệm cổ” hay “thay đĩa đệm nhân tạo cổ” (Artificial Disc Replacement – ADR) hay phẫu thuật “thay đĩa đệm cột sống cổ”, là một thủ thuật y khoa nhằm điều trị các vấn đề liên quan đến đĩa đệm ở vùng cột sống cổ (cervical spine) bị thoái hóa, thoát vị, bị tổn thương gây đau hoặc chèn ép thần kinh.
Thay vì chỉ loại bỏ đĩa đệm bị hỏng, phẫu thuật này thay thế đĩa đệm tự nhiên bằng một đĩa đệm nhân tạo để duy trì chuyển động và độ linh hoạt của cột sống, hoặc thay đĩa đệm nhân tạo kèm cố định hai đốt sống trên dưới nhằm giữ chiều cao và đảm bảo độ vững chắc cột sống.
Quy trình cơ bản:
- Loại bỏ đĩa đệm hỏng: Bác sĩ phẫu thuật tiếp cận cột sống cổ qua một vết mổ nhỏ ở phía trước cổ, loại bỏ đĩa đệm bị tổn thương (gây đau hoặc chèn ép dây thần kinh).
- Cấy ghép đĩa nhân tạo: Một đĩa đệm nhân tạo, được đặt vào vị trí đĩa đệm cũ.
- Phục hồi: Vết mổ được đóng lại và người bệnh thường cần thời gian hồi phục, bao gồm vật lý trị liệu để cải thiện sức mạnh và sự linh hoạt.
Phẫu thuật cắt thân sống điều trị vôi hóa dây chằng dọc sau
Vôi hóa dây chằng dọc sau (OPLL): Dây chằng dọc sau là một cấu trúc chạy dọc phía sau thân đốt sống trong cột sống. Khi dây chằng bị vôi hóa, trở nên cứng và dày lên, có thể chèn ép tủy sống hoặc rễ thần kinh.
Phẫu thuật cắt thân đốt sống cổ là gì?
Phẫu thuật cắt thân đốt sống cổ là loại bỏ một phần hoặc toàn bộ thân đốt sống (phần xương chính của đốt sống) và đĩa đệm liên quan để giải phóng áp lực lên tủy sống hoặc dây thần kinh do OPLL gây ra. Sau đó, khu vực này được tái tạo để duy trì cấu trúc cột sống.
Quy trình phẫu thuật:
- Tiếp cận cột sống cổ: Bác sĩ thường thực hiện qua đường trước cổ (anterior approach) – bằng một vết mổ nhỏ ở phía trước cổ.
-
- Loại bỏ thân đốt sống và dây chằng vôi hóa:
-
- Một hoặc nhiều thân đốt sống bị ảnh hưởng và phần dây chằng dọc sau bị vôi hóa được loại bỏ để giải phóng tủy sống.
- Các đĩa đệm liền kề cũng có thể được lấy ra.
-
- Khu vực bị loại bỏ được thay thế bằng một khối ghép xương (có thể lấy từ xương của chính người bệnh hoặc dùng vật liệu nhân tạo) hoặc một lồng titan (cage) để duy trì độ cao và độ ổn định của cột sống.
- Một nẹp titan và ốc vít (plate and screws) thường được sử dụng để cố định các đốt sống lân cận, giúp cột sống ổn định trong quá trình liền xương (spinal fusion).
Phẫu thuật cắt, tạo hình cung sau đốt sống cổ giải ép ống sống cổ
Cervical laminectomy – Phẫu thuật cắt cung sau đốt sống cổ là thủ thuật loại bỏ lá cung (lamina) – phần xương phía sau của đốt sống, để mở rộng ống sống nhằm giảm áp lực lên tủy sống và dây thần kinh. Đây là phương pháp tiếp cận qua phía sau cổ (posterior approach), thường được chọn khi hẹp ống sống xảy ra ở nhiều tầng hoặc khi các phương pháp khác không phù hợp.
Quy trình phẫu thuật:
- Loại bỏ lá cung (lamina):
- Bác sĩ tiếp cận cột sống qua đường phía sau cổ.
- Cung của một hoặc nhiều đốt sống (tùy số tầng bị hẹp) được cắt bỏ bằng dụng cụ phẫu thuật chuyên dụng.
- Một phần dây chằng hoặc gai xương gây chèn ép cũng có thể được loại bỏ.
-
- Không gian trong ống sống được mở rộng, giảm áp lực lên tủy sống và rễ thần kinh.
- Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể thực hiện thêm mở lỗ liên hợp (foraminotomy) để giải phóng rễ thần kinh.
- Cố định cột sống (nếu cần): Nếu loại bỏ quá nhiều cấu trúc xương gây mất ổn định cột sống, bác sĩ có thể thực hiện cố định cột sống (spinal fusion) bằng cách sử dụng thanh kim loại, ốc vít hoặc ghép xương để giữ các đốt sống ổn định.

Các phẫu thuật thay đĩa đệm cột sống cổ, cắt thân đốt sống, tạo hình cung sau đốt sống giúp điều trị và ngăn ngừa tái phát bệnh hiệu quả.
Lưu ý khi lựa chọn phương pháp phẫu thuật điều trị thoái hóa đốt sống cổ:
– Bác sĩ sẽ đánh giá dựa trên độ tuổi, tình trạng sức khỏe, mức độ tổn thương cột sống và các yếu tố khác để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp cho người bệnh.
– Sau phẫu thuật, người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn phục hồi chức năng và tránh các hoạt động nặng trong thời gian đầu.
– Nếu bạn đang cân nhắc phẫu thuật này, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa Ngoại thần kinh hoặc cột sống để được tư vấn cụ thể. Bạn cũng có thể tìm thêm thông tin từ các nguồn y khoa uy tín hoặc bệnh viện chuyên về cột sống như Bệnh Viện Đa Khoa Quốc Tế Nam Sài Gòn.
8. Cách phòng bệnh thoái hóa đốt sống cổ
Dưới đây là các biện pháp phổ biến để phòng ngừa bệnh thoái hóa đốt sống cổ [6]:
– Sinh hoạt đúng tư thế
- Ngồi thẳng lưng, đặt bàn chân phẳng trên sàn, màn hình máy tính ngang tầm mắt.
- Dùng ghế có tựa lưng, nghỉ giải lao 5-10 phút sau mỗi 45 phút làm việc.
- Khi ngủ, dùng gối thấp (5-7cm), nằm ngửa hoặc nghiêng, tránh nằm sấp làm cong cột sống cổ.
– Tập thể dục đều đặn:
- Bơi lội: 30 phút/ngày, 3-4 lần/tuần, giúp tăng cường cơ cổ mà không gây áp lực lên các đốt sống.
- Yoga: Tập các tư thế giãn cơ cổ, cải thiện độ linh hoạt.
- Đi bộ: 20-30 phút/ngày trên địa hình bằng phẳng, giúp tăng cường tuần hoàn máu và sức mạnh cơ lưng.
– Duy trì cân nặng lý tưởng: Giảm cân nếu thừa cân để giảm áp lực lên cột sống cổ. Mỗi kg trọng lượng dư thừa có thể tạo thêm áp lực gấp 4 lần lên cột sống. Đồng thời, xây dựng chế độ ăn giàu canxi, vitamin D (sữa, cá hồi, rau cải xanh), và uống đủ nước (2-3 lít/ngày) để duy trì độ ẩm đĩa đệm.
– Bỏ thuốc lá Nicotine trong thuốc lá làm giảm lưu lượng máu đến đĩa đệm, đẩy nhanh quá trình thoái hóa.
– Giảm stress: Căng thẳng làm cơ cổ co cứng, tăng nguy cơ thoái hóa. Hít thở sâu hoặc massage cổ nhẹ nhàng giúp giảm căng thẳng hiệu quả.
– Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Thoái hóa đốt sống cổ là bệnh lý phổ biến nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa và điều trị nếu phát hiện sớm. Hãy lắng nghe cơ thể, thay đổi thói quen sinh hoạt. Nên sớm thăm khám bác sĩ chuyên khoa nếu cơ thể xuất hiện các dấu hiệu bất thường như đau cổ, tê bì tay, hoặc cứng cổ kéo dài, đặc biệt nếu bạn trên 40 tuổi hoặc có tiền sử chấn thương cổ.
Khi lựa chọn địa chỉ để thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị các bệnh lý cột sống, người bệnh nên ưu tiên các bệnh viện lớn, sở hữu chuyên khoa Thần kinh – Cột sống uy tín, cùng hệ thống máy móc hiện đại như máy chụp MRI-CT thế hệ mới và công nghệ định vị trong phẫu thuật, nhằm nâng cao tỷ lệ thành công và đảm bảo an toàn sức khỏe sau phẫu thuật.
Khoa Ngoại Thần kinh – Cột sống, chuyên khoa mũi nhọn của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn!
Chuyên khoa quy tụ đội ngũ chuyên gia đầu ngành, bác sĩ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm và tận tâm trong khám chữa bệnh. Các bác sĩ khoa Ngoại Thần kinh – Cột sống liên tục cập nhật, áp dụng kỹ thuật điều trị hiện đại của y học thế giới, giúp người bệnh cải thiện sức khỏe một cách hiệu quả.
Bệnh viện được đầu tư hệ thống máy móc và trang thiết bị tiên tiến, hỗ trợ chẩn đoán hình ảnh chính xác như: Máy chụp CT SCANNER SIEMENS 64 lát cắt, máy cộng hưởng từ 1,5 Tesla Siemens Magnetom Amira, máy cắt u bằng sóng siêu âm (CUSA EXCEL), kính hiển vi phẫu thuật, hệ thống C-arm trong mổ, hệ thống O-arm kết hợp định vị Navigation hiện đại… Các thiết bị này giúp phát hiện sớm các tổn thương và điều trị hiệu quả các bệnh lý thần kinh – cột sống như thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, u não, đột quỵ não và nhiều bệnh lý khác.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn sở hữu hệ thống phòng khám khang trang, khu nội trú tiện nghi, khu vực phục hồi chức năng hiện đại, cùng quy trình chăm sóc hậu phẫu chuyên nghiệp, giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục và ổn định sức khỏe sau điều trị. Với sự tận tình của đội ngũ bác sĩ và nhân viên y tế, bệnh viện cam kết mang lại trải nghiệm y tế thoải mái, giúp người bệnh sớm lấy lại chất lượng cuộc sống.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn