icon close
VN
icon select down
       
Đặt lịch hẹn
icon bar

SUY THẬN: NGUYÊN NHÂN, DẤU HIỆU VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ 

  • Tác giả: BỆNH VIỆN ĐA KHOA QUỐC TẾ NAM SÀI GÒN

  • time 03/07/2025
  • eye42

Hiện nay, suy thận đang có xu hướng gia tăng khi có tới 800.000 người bệnh suy thận cần lọc máu, trong khi phương tiện máy móc chưa đáp ứng đủ nhu cầu điều trị hiện tại (số lượng máy chạy thận trên toàn quốc chỉ có khoảng 5.500 máy).

Tư vấn chuyên môn bài viết

TTƯT.TS.BS NGUYỄN THỊ THU HƯƠNG

Bác sĩ chuyên gia Nội thận – Tiết niệu.

Suy thận là một trong những bệnh lý thầm lặng nhưng cực kỳ nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng sống còn của cơ thể. Tại Việt Nam, ước tính có hơn 10 triệu người mắc bệnh thận mạn tính (nguyên nhân gây suy thận mạn tính), với khoảng 8.000 ca mắc mới mỗi năm [1]

Vì vậy, việc hiểu suy thận là gì, dấu hiệu nhận biết suy thận hay các phương pháp điều trị, phòng ngừa bệnh là điều rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe của bạn khỏi căn bệnh mãn tính khó kiểm soát này.  Hãy cùng tìm hiểu toàn diện về bệnh suy thận thông qua bài viết dưới đây, được tư vấn chuyên môn bởi các chuyên gia về Nội Thận – Tiết niệu giàu kinh nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn.

Suy thận là gì?

Suy thận là tình trạng thận không còn thực hiện hiệu quả chức năng lọc máu, loại bỏ độc tố và điều hòa cân bằng nước – điện giải trong cơ thể. Khi thận suy yếu, các chất thải, độc tố và dịch dư thừa sẽ dần tích tụ trong máu, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác như tim mạch, xương khớp và hệ thần kinh [2].

Nếu không được phát hiện và kiểm soát kịp thời, bệnh có thể làm suy giảm chất lượng sống, thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh.

Dấu hiệu suy thận

dấu hiệu cơ thể cảnh báo suy thận

Suy thận là bệnh lý diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu nên dễ bị bỏ qua, các biểu hiện chỉ thường xuất hiện rõ rệt khi chức năng thận đã suy giảm đáng kể. Tuy nhiên, việc phát hiện sớm đóng vai trò vô cùng quan trọng giúp điều trị, kiểm soát bệnh hiệu quả. Do đó, chúng ta cần lưu ý các dấu hiệu cảnh báo suy thận để kịp thời thăm khám: [3]

Biểu hiện trên da và huyết học

  • Da xanh xám, niêm mạc nhợt nhạt.
  • Phù mặt, chân tay do ứ dịch.
  • Thiếu máu: Xảy ra ở giai đoạn nặng và thường khó nhận biết sớm.

Triệu chứng tim mạch

  • Tăng huyết áp: Do ứ nước và rối loạn hormone điều hòa huyết áp từ thận. Trong trường hợp nặng, huyết áp có thể khó kiểm soát hoặc kháng trị.
  • Suy tim: Huyết áp tăng kéo dài khiến tim phải hoạt động nhiều hơn, lâu dần dẫn đến suy tim. Các biến chứng có thể bao gồm viêm màng ngoài tim, tràn dịch màng tim hoặc suy tim ứ huyết.

Triệu chứng tiêu hóa, thần kinh – cơ, tiết niệu

  • Buồn nôn, chán ăn, rối loạn tiêu hóa.
  • Tiêu chảy, loét niêm mạc miệng, đường tiêu hóa…
  • Chuột rút, yếu cơ (có thể do rối loạn kali và canxi máu).
  • Triệu chứng bàng quang, rối loạn tiểu tiện (tiểu rắt, tiểu buốt, tiểu nhiều lần…).
  • Hôn mê do ure huyết cao (biến chứng thường gặp ở suy thận giai đoạn cuối).

Tổn thương xương

  • Loãng xương, nhuyễn xương, gãy xương là tình trạng thường gặp ở người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối do mất cân bằng khoáng chất trong cơ thể.

Phân loại suy thận

Suy thận được chia thành hai loại chính: Suy thận cấp tính và suy thận mạn tính [4].

Suy thận cấp tính

Suy thận cấp tính (còn gọi là tổn thương thận cấp) là tình trạng thận mất chức năng lọc máu trong thời gian ngắn, xảy ra đột ngột chỉ trong vài giờ đến vài ngày. Nếu được điều trị kịp thời, thận có thể hồi phục hoàn toàn sau vài ngày hoặc vài tuần. Tuy nhiên, nếu chậm trễ, tổn thương cấp tính này có thể trở thành vĩnh viễn và tiến triển thành suy thận mạn.

Nguyên nhân phổ biến gây suy thận cấp tính bao gồm mất nước nghiêm trọng, nhiễm trùng nặng, chấn thương hoặc mất máu và tác dụng phụ của thuốc.

Suy thận mạn tính

Suy thận mạn tính là một giai đoạn tiến triển của bệnh thận mạn tính, khi mức lọc cầu thận giảm dưới 60 ml/phút. Suy thận mạn tương ứng với giai đoạn 3, 4, 5 của bệnh thận mạn tính. Ở giai đoạn 1 và 2 của bệnh thận mạn được gọi là tổn thương thận, chưa phải suy thận. 

Bệnh diễn tiến âm thầm qua nhiều năm, không thể phục hồi và có thể dẫn đến suy thận giai đoạn cuối nếu không được kiểm soát tốt. 

Sự khác biệt giữa suy thận cấp tính và suy thận mạn tính

Đặc điểm Suy thận cấp tính Suy thận mạn tính
Thời gian tiến triển Triệu chứng xuất hiện đột ngột. Diễn biến chậm theo thời gian.
Khả năng hồi phục Có thể phục hồi nếu điều trị sớm và đúng cách. Không thể hồi phục hoàn toàn.
Triệu chứng Xuất hiện nhanh, rõ rệt. Âm thầm, dễ bị bỏ qua.
Hướng điều trị Thăm khám và điều trị nguyên nhân gây suy thận, hỗ trợ thận phục hồi. Kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây suy thận (tăng huyết áp, đái tháo đường, các bệnh về thận – tiết niệu, gout…) nhằm làm chậm quá trình suy giảm chức năng thận và ngăn ngừa biến chứng.

Các giai đoạn của bệnh suy thận

  • Suy thận cấp tính: 

Suy thận cấp tính không phân chia theo giai đoạn như suy thận mạn tính, mà được phân loại theo mức độ nặng nhẹ, dựa trên chỉ số creatinin huyết thanh và lượng nước tiểu để đánh giá mức độ tổn thương thận. Từ đó, bác sĩ sẽ quyết định hướng điều trị phù hợp.

  • Suy thận mạn tính: 

Bệnh thận mạn được chia thành 5 giai đoạn, dựa trên chỉ số mức lọc cầu thận (GFR – Glomerular Filtration Rate). Đây là chỉ số phản ánh lượng máu mà thận lọc qua cầu thận mỗi phút. Chỉ số GFR càng thấp, có nghĩa chức năng thận càng suy giảm. Khi GFR giảm xuống dưới 60 ml/phút – tức từ giai đoạn 3 trở đi, người bệnh được xem là đã bước vào giai đoạn suy thận mạn. [5]

Việc xác định đúng giai đoạn giúp bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp và kịp thời can thiệp để làm chậm tiến triển của bệnh.

Bảng phân loại 5 giai đoạn của bệnh thận mạn tính

Giai đoạn GFR (ml/phút/1.73 m2) Tình trạng Thận
1 ≥ 90 Chức năng thận bình thường.
2 60-89 Chức năng thận giảm nhẹ.
3 30-59 Chức năng thận giảm ở mức độ trung bình (bắt đầu suy thận).
4 15-29 Chức năng thận giảm ở mức độ nặng.
5 < 15 Suy thận giai đoạn cuối.

Giai đoạn 2

Giai đoạn 2 được xem là “giai đoạn vàng” trong điều trị suy thận, khi các tổn thương thận còn nhẹ và triệu chứng chưa rõ ràng. Đây là thời điểm lý tưởng để can thiệp nhằm làm chậm hoặc ngăn chặn tiến triển bệnh. 

Nếu được phát hiện sớm, người bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát tốt tình trạng này thông qua điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, kiểm soát bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, sử dụng thuốc theo chỉ định và tránh các loại thuốc có nguy cơ gây hại cho thận.

Giai đoạn 3

Từ giai đoạn 3 của bệnh thận mạn – được xem là suy thận, người bệnh có thể bắt đầu xuất hiện các triệu chứng như mệt mỏi, mất ngủ, đau lưng, xanh xao, chân tay sưng phù. Đây là thời điểm cần can thiệp tích cực bằng cả thuốc, điều chỉnh chế độ ăn uống và theo dõi sát các bệnh lý đi kèm. 

Việc sử dụng thuốc cần đặc biệt thận trọng, tránh các nhóm thuốc có nguy cơ làm tổn thương thận như thuốc kháng viêm không steroid (NSAID), thuốc lợi tiểu không phù hợp hoặc một số kháng sinh độc thận.

Giai đoạn 4

Giai đoạn 4 là khi chức năng thận suy giảm nghiêm trọng, với chỉ số GFR dao động trong khoảng 15 – 39 ml/phút. Trong giai đoạn 4, việc điều trị lúc này không chỉ nhằm kiểm soát triệu chứng mà còn phải chuẩn bị cho các phương án điều trị thay thế thận (ghép thận, lọc màng bụng và chạy thận nhân tạo). Mục tiêu là làm chậm sự suy giảm chức năng thận còn lại, giảm biến chứng và duy trì chất lượng cuộc sống.

Giai đoạn 5

Giai đoạn 5, hay còn gọi là suy thận mạn giai đoạn cuối, là lúc thận gần như mất hoàn toàn khả năng lọc máu. Ở giai đoạn này, việc điều trị nội khoa không còn hiệu quả và người bệnh cần được tư vấn kỹ lưỡng về các phương pháp điều trị thay thế thận. Hiện nay, ba lựa chọn điều trị phổ biến bao gồm: Thận nhân tạo (chạy thận), lọc màng bụng và ghép thận. Việc lựa chọn phương pháp phù hợp phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, điều kiện kinh tế và chỉ định chuyên môn của bác sĩ.

Nguyên nhân gây bệnh

Suy thận có thể khởi phát đột ngột hoặc tiến triển âm thầm trong thời gian dài, tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra. 

Với suy thận cấp tính, các yếu tố khởi phát thường xảy ra trong thời gian ngắn và thận có thể hồi phục chức năng nếu được xử trí kịp thời. Các nguyên nhân thường gặp bao gồm mất nước nghiêm trọng (do tiêu chảy, nôn ói kéo dài), nhiễm trùng nặng, chấn thương, mất máu hoặc tác dụng phụ từ một số loại thuốc.

Trong khi đó, suy thận mạn tính thường tiến triển chậm theo thời gian và được chia thành hai nhóm nguyên nhân chính.

  1. Nguyên nhân tại thận nguyên phát (xuất phát từ thận)

Do các bệnh lý ảnh hưởng trực tiếp đến thận:

  • Viêm cầu thận: Thận bị viêm tại các bộ lọc nhỏ (cầu thận), có thể do nhiễm trùng, bệnh tự miễn hoặc không rõ nguyên nhân. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy thận. 
  • Bệnh thận bẩm sinh: Thận có bất thường từ khi sinh ra.
  1. Nguyên nhân do bệnh thận thứ phát (không xuất phát từ thận)

Đây là tình trạng bệnh lý khác trong cơ thể gây ảnh hưởng đến thận:

  • Đái tháo đường: Là nguyên nhân hàng đầu gây suy thận mạn trên toàn thế giới.
  • Tăng huyết áp: Huyết áp cao làm các mạch máu trong thận bị tổn thương, giảm khả năng lọc chất thải.
  • Nhiễm độc thuốc: Một số loại thuốc (thuốc giảm đau, kháng sinh…) có thể gây tổn thương thận khi sử dụng kéo dài hoặc liều cao.

Biến chứng suy thận

Suy thận không chỉ ảnh hưởng đến việc lọc chất thải trong máu mà còn gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng khác trên cơ thể.

Thiếu máu

Khi thận bị suy giảm chức năng, khả năng sản xuất erythropoietin – một loại hormone do thận tiết ra để kích thích tủy xương tạo hồng cầu – cũng giảm theo. Điều này khiến quá trình sản xuất hồng cầu bị đình trệ, dẫn đến thiếu máu. Tình trạng này thường rõ rệt hơn ở giai đoạn 3–5 của bệnh thận mạn. Người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi, da xanh xao, tim đập nhanh. Thiếu máu kéo dài còn làm tăng nguy cơ suy tim sung huyết, đẩy nhanh tiến trình đến suy thận giai đoạn cuối và làm tăng tỷ lệ tử vong.

Bệnh về xương và tăng phốt phát trong máu

Khi thận hoạt động kém, cơ thể không thể duy trì cân bằng canxi, vitamin D và phốt pho. Phốt pho dư thừa tích tụ trong máu làm mất canxi từ xương, dẫn đến loãng xương, đau nhức xương khớp và tăng nguy cơ gãy xương. Tình trạng này còn gây phì đại tuyến cận giáp, làm rối loạn chuyển hóa khoáng chất trong cơ thể.

Bệnh tim

Bệnh tim là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở người suy thận, đặc biệt là bệnh nhân đang lọc máu. Tim và thận có mối liên hệ chặt chẽ: Khi tim suy, lượng máu đến thận giảm; ngược lại, thận suy khiến tim phải hoạt động nhiều hơn do rối loạn huyết áp và giữ nước. Khi tim hoặc thận gặp vấn đề, cơ quan còn lại cũng dễ bị ảnh hưởng, dẫn đến việc cả 2 cơ quan đều bị tổn thương nặng dần theo thời gian.

Tăng kali máu

Ở người suy thận, thận không thể loại bỏ hết lượng kali dư thừa trong cơ thể. Nồng độ kali máu cao trên 5,0 mmol/L có thể gây rối loạn nhịp tim nghiêm trọng, thậm chí tử vong [6]. Một số biểu hiện bao gồm mệt mỏi, yếu cơ, đau bụng, nhịp tim không đều. Đây là biến chứng nguy hiểm cần được theo dõi sát sao.

Tích tụ nước trong cơ thể

Khi thận mất khả năng lọc nước, dịch sẽ tích tụ lại trong các mô, gây phù nề ở chân, mắt cá, bàn tay và mặt. Trường hợp nặng có thể dẫn đến tràn dịch màng phổi, tăng huyết áp hoặc suy tim. Việc kiểm soát lượng dịch đưa vào cơ thể trở thành yếu tố quan trọng trong điều trị suy thận.

Sức khỏe tinh thần

Suy thận không chỉ ảnh hưởng đến thể chất mà còn tác động lớn đến tinh thần người bệnh. Càng về giai đoạn nặng, áp lực tâm lý càng gia tăng do nhiều yếu tố: Chi phí điều trị cao, lịch lọc máu kéo dài làm mất tự do cá nhân, người bệnh cảm giác trở thành gánh nặng cho gia đình. Ngoài ra, việc phải tuân thủ chế độ ăn uống điều trị nghiêm ngặt và cơn mệt mỏi kéo dài khiến người bệnh dễ rơi vào trạng thái lo âu, trầm cảm và suy giảm chất lượng sống nghiêm trọng.

Phương pháp chẩn đoán

Chẩn đoán suy thận bao gồm nhiều phương pháp khác nhau, từ các xét nghiệm máu, nước tiểu đến kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh và sinh thiết mô thận, nhằm xác định mức độ tổn thương cũng như nguyên nhân gây bệnh.

Xét nghiệm chẩn đoán suy thận

Suy thận có thể được chẩn đoán và theo dõi bằng các xét nghiệm sau:

  • Xét nghiệm công thức máu (CTM): Đánh giá tình trạng thiếu máu do suy giảm chức năng thận.
  • Xét nghiệm nước tiểu: Kiểm tra Albumin niệu, tỷ lệ Albumin/Creatinin (ACR) để phát hiện tổn thương thận sớm.
  • Xét nghiệm Creatinin máu và eGFR: Đánh giá chức năng lọc của thận.
  • Xét nghiệm điện giải đồ: Kiểm tra nồng độ Natri, Kali, Canxi, Phốt phát để phát hiện rối loạn.
  • Xét nghiệm các yếu tố nguy cơ: Bao gồm đường huyết (Glucose máu), mỡ máu (Cholesterol, Triglyceride) và acid uric nhằm kiểm soát nguyên nhân gây suy thận.

Siêu âm thận

Siêu âm là phương pháp chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn, an toàn và dễ thực hiện, thường được sử dụng để kiểm tra cấu trúc của thận. Nhờ vào sóng siêu âm, bác sĩ có thể đánh giá kích thước, hình dạng, độ dày nhu mô, cũng như phân biệt giữa vùng vỏ và tủy thận. Ngoài ra, siêu âm thận cũng hỗ trợ phát hiện các bất thường như u thận, dị dạng, sỏi, nang, tình trạng giãn đài bể thận và nhận diện dấu hiệu tắc nghẽn đường tiết niệu.

Chụp cắt lớp vi tính CT

Chụp cắt lớp vi tính (CT) cung cấp hình ảnh chi tiết hơn so với siêu âm, giúp đánh giá tổn thương cấu trúc của thận. Phương pháp này có thể phát hiện u, sỏi, tụ máu hoặc áp xe trong thận. Chụp CT là kỹ thuật chuyên sâu, chỉ thực hiện khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa thận niệu.

Chụp cộng hưởng từ (MRI)

Chụp cộng hưởng từ (MRI) là một kỹ thuật hình ảnh không sử dụng tia X, giúp quan sát chi tiết cấu trúc thận. Đặc biệt, MRI có thể đánh giá hệ thống mạch máu thận, hỗ trợ chẩn đoán các khối u và tổn thương do viêm nhiễm. So với CT, MRI an toàn hơn trong các trường hợp người bệnh cần tránh tia X hoặc thuốc cản quang chứa iod.

Xạ hình thận

Xạ hình thận là phương pháp chẩn đoán hình ảnh chuyên sâu, sử dụng chất đánh dấu phóng xạ tiêm vào cơ thể để đánh giá chức năng từng bên thận. Kỹ thuật này giúp đo lường khả năng lọc máu và bài tiết, đồng thời đánh giá mức độ tưới máu thận. Xạ hình thận có vai trò quan trọng trong chẩn đoán hẹp động mạch thận và sẹo thận, thường được chỉ định khi nghi ngờ một bên thận bị tổn thương nặng do sỏi hoặc khối u lớn.

Sinh thiết

Sinh thiết thận là phương pháp xâm lấn, trong đó bác sĩ sử dụng kim sinh thiết để lấy một mẫu mô thận đem xét nghiệm. Kỹ thuật này giúp xác định nguyên nhân gây tổn thương thận, loại bệnh thận và mức độ nghiêm trọng, đặc biệt trong các trường hợp viêm cầu thận hoặc hội chứng thận hư. Dựa vào kết quả sinh thiết, bác sĩ có thể đưa ra hướng điều trị phù hợp và tiên lượng bệnh chính xác hơn.

Phương pháp điều trị suy thận

suy thận

Việc điều trị suy thận phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, tình trạng sức khỏe tổng thể và điều kiện của người bệnh. Mục tiêu điều trị suy thận là làm chậm tiến triển bệnh, kiểm soát triệu chứng, phòng ngừa biến chứng và duy trì chất lượng sống cho người bệnh.

Các phương pháp điều trị phổ biến bao gồm:

Điều trị nội khoa

Phương pháp này thường được áp dụng khi người bệnh suy thận mạn vẫn còn duy trì được một phần chức năng lọc của thận, tức là ở giai đoạn đầu hoặc trung bình của bệnh. Mục tiêu là kiểm soát nguyên nhân nền (như đái tháo đường, tăng huyết áp), điều trị các biến chứng đi kèm và làm chậm sự suy giảm chức năng thận.

Chế độ ăn là yếu tố quan trọng trong điều trị nội khoa. Người bệnh cần kiểm soát lượng protein để giảm gánh nặng cho thận. Cụ thể:

  • Bệnh nhẹ: Hạn chế protein ở mức 0,8g/kg trọng lượng cơ thể/ngày [7].
  • Bệnh trung bình – nặng: Chỉ nên tiêu thụ lượng protein 0,5g/kg/ngày, tức là khoảng một nửa so với nhu cầu của người bình thường [7].

Ngoài ra, người bệnh cần hạn chế thực phẩm giàu natri [8], bao gồm:

  • Gia vị mặn: Muối, nước mắm, xì dầu.
  • Thực phẩm chế biến sẵn: Đồ hộp, thực phẩm đông lạnh.
  • Tinh bột chế biến: Bánh mì, bánh quy, bánh ngọt.
  • Đồ ăn nhanh: Mì gói, bắp rang, khoai tây chiên.
  • Thực phẩm ướp muối: Thịt muối, cá khô, mắm tép.

Lọc máu nhân tạo (chạy thận nhân tạo)

Lọc máu nhân tạo (chạy thận nhân tạo) là phương pháp điều trị thay thế khi thận mất chức năng, giúp loại bỏ chất thải, độc tố và lượng nước dư thừa ra khỏi máu thông qua một hệ thống máy móc chuyên biệt. Quá trình lọc máu thường được thực hiện 3 lần mỗi tuần, mỗi lần kéo dài khoảng 3–4 giờ. Để thực hiện, bác sĩ sẽ tạo đường dẫn máu bằng cách nối động mạch với tĩnh mạch (fistula) hoặc đặt ống thông tĩnh mạch trung tâm (cổ hoặc ngực) trong các trường hợp cần lọc máu khẩn cấp.

Phương pháp này giúp kiểm soát triệu chứng hiệu quả và được giám sát bởi nhân viên y tế. Tuy nhiên, người bệnh phải thường xuyên đến cơ sở y tế, khó linh hoạt trong sinh hoạt và có thể gặp biến chứng liên quan đến mạch máu.

Thẩm phân phúc mạc (Lọc màng bụng)

Lọc màng bụng là phương pháp sử dụng chính màng bụng của người bệnh làm bộ lọc tự nhiên để loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể. Có hai cách thực hiện chính: 

  • Thẩm phân thủ công (CAPD): Người bệnh tự thay dịch 4-5 lần/ngày.
  • Thẩm phân bằng máy (APD): Máy tự động lọc vào ban đêm khi người bệnh ngủ.

Ưu điểm nổi bật của phương pháp này là người bệnh có thể tự thực hiện tại nhà, linh hoạt về thời gian, ít ảnh hưởng đến huyết áp và ít hạn chế về chế độ ăn hơn so với lọc máu nhân tạo. Tuy vậy, phương pháp này đòi hỏi sự tuân thủ nghiêm ngặt về kỹ thuật và vệ sinh của người bệnh để tránh nhiễm trùng màng bụng (viêm phúc mạc) – một biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra.

Cấy ghép thận

Ghép thận là phương pháp điều trị tối ưu cho người bệnh suy thận giai đoạn cuối, giúp phục hồi gần như hoàn toàn chức năng lọc máu của thận và cải thiện rõ rệt chất lượng cuộc sống. Thận ghép có thể được lấy từ người hiến sống (thường là người thân có quan hệ huyết thống) hoặc từ người hiến tạng sau khi chết não. So với lọc máu nhân tạo, ghép thận giúp cải thiện khả năng vận động, giảm chi phí điều trị lâu dài và kéo dài tuổi thọ người bệnh. 

Tuy vậy, ghép thận cũng đối mặt với không ít thách thức: Nguồn tạng hiến còn hạn chế, thời gian chờ đợi ghép tạng kéo dài. Đặc biệt là nguy cơ thải ghép cao (trường hợp hệ miễn dịch nhận diện thận ghép là “vật thể lạ”, bắt đầu tấn công và phá hủy cơ quan này) nếu người bệnh không tuân thủ phác đồ điều trị. Trường hợp này buộc người bệnh phải sử dụng thuốc ức chế miễn dịch suốt đời để bảo vệ thận ghép. Bên cạnh đó, chi phí ban đầu và quá trình theo dõi sau phẫu thuật cũng là điều người bệnh cần cân nhắc kỹ.

Phòng ngừa suy thận

Theo chia sẻ từ Thầy thuốc ưu tú, Tiến sĩ – Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hương, chuyên gia Nội Thận – Tiết niệu tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn, phòng ngừa suy thận là một quá trình kiên trì kết hợp giữa kiểm soát bệnh lý nền và duy trì lối sống lành mạnh.

1. Kiểm soát tốt các bệnh nền: Việc kiểm soát các bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, gout, rối loạn chuyển hóa và các bệnh cầu thận mạn tính (như viêm cầu thận IgA, hội chứng thận hư,…) đóng vai trò quan trọng trong việc giảm nguy cơ tiến triển thành bệnh suy thận và bảo vệ chức năng thận lâu dài.

Cụ thể, các yếu tố cần được kiểm soát trong phòng ngừa suy thận bao gồm:

  • Kiểm soát huyết áp: Huyết áp ổn định giúp giảm áp lực lên thận, ngăn ngừa biến chứng. Bạn nên kiểm tra huyết áp định kỳ và duy trì huyết áp dưới 130/80 mmHg. Để làm được điều này, bạn cần giảm giảm lượng muối trong khẩu phần ăn, hạn chế rượu bia, thuốc lá, kiểm soát cân nặng, tăng cường thực phẩm giàu kali như rau xanh, trái cây.
  • Kiểm soát đường huyết: Đây là yếu tố then chốt đối với người đang mắc hoặc có tiền sử bệnh đái tháo đường – một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy thận. Việc theo dõi đường huyết thường xuyên giúp phát hiện sớm các bất thường và điều chỉnh kịp thời. Để giữ đường huyết ổn định, người bệnh nên chia nhỏ khẩu phần ăn trong ngày, tránh ăn quá nhiều cùng lúc. Đồng thời, cần hạn chế tiêu thụ đường và các loại tinh bột hấp thu nhanh như bánh ngọt, nước ngọt có gas, cơm trắng… nhằm ngăn ngừa tình trạng tăng đường huyết đột ngột, vốn có thể làm tổn thương thận âm thầm và kéo dài.
  • Kiểm soát acid uric và mỡ máu: Nồng độ acid uric và mỡ máu cao không chỉ làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận và bệnh viêm thận, mà còn gây ảnh hưởng xấu đến hệ tim mạch. Người bệnh nên có chế độ ăn uống cân bằng, hạn chế thực phẩm giàu purin (đạm động vật, hải sản), chất béo bão hòa và duy trì vận động thường xuyên.

2. Xây dựng lối sống lành mạnh

Tăng cường vận động thể chất và xây dựng chế độ ăn hợp lý là những thói quen nền tảng giúp giảm gánh nặng lên thận. Người khỏe mạnh nên duy trì tập luyện đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày, đồng thời ăn uống lành mạnh với thực phẩm tươi, ít muối, ít dầu mỡ và uống đủ nước.

Đối với người có bệnh thận hoặc nguy cơ cao, việc điều chỉnh chế độ ăn theo hướng dẫn của bác sĩ – như giảm đạm động vật, hạn chế natri, phốt pho – sẽ giúp làm chậm tiến triển tổn thương thận.

3. Hạn chế rượu bia và thuốc lá

Việc sử dụng rượu bia kéo dài có thể gây tổn thương thận thông qua cơ chế rối loạn chuyển hóa, viêm mạn tính và mất kiểm soát huyết áp. 

Hút thuốc lá làm tổn thương mạch máu, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến tuần hoàn nuôi dưỡng thận.

4. Khám sức khỏe định kỳ và sử dụng thuốc đúng cách

Khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường liên quan đến thận. Đặc biệt, người có yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, tiểu đường nên xét nghiệm chức năng thận ít nhất 1–2 lần mỗi năm. Ngoài ra, người bệnh cần tránh tự ý sử dụng thuốc giảm đau hoặc thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, cần có chỉ định rõ ràng từ bác sĩ chuyên khoa. Tránh tình trạng lạm dụng thuốc, có thể gây ảnh hưởng đến chức năng thận.

Nếu có bất kỳ triệu chứng nghi ngờ như phù nề, da xanh xám, mệt mỏi kéo dài hoặc rối loạn tiểu tiện, người bệnh nên đến cơ sở y tế sớm để được kiểm tra và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm như suy thận cấp, tổn thương tim mạch hoặc rối loạn điện giải nghiêm trọng.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn hiện là một trong những địa chỉ uy tín trong thăm khám, tầm soát và điều trị bệnh lý thận với đội ngũ bác sĩ chuyên gia giàu kinh nghiệm và hệ thống trang thiết bị hiện đại. Bệnh viện có áp dụng cả Bảo hiểm Y tếBảo hiểm sức khỏe, giúp người bệnh an tâm điều trị và đồng hành lâu dài trong hành trình bảo vệ chức năng thận.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn

Số 88, Đường số 8, Khu dân cư Trung Sơn, Xã Bình Hưng, Huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh

Số 88, Đường số 8, Khu dân cư Trung Sơn, Xã Bình Hưng, Huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh

1800 6767

Hotline: 1800 6767

info@nih.com.vn

info@nih.com.vn

GPĐKKD: 0312088602 cấp ngày 14/12/2012 bởi Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM. Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh số 230/BYT-GPHĐ do Bộ Y Tế cấp. GPĐKKD: 0312088602 cấp ngày 14/12/2012 bởi Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM. Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh số 230/BYT-GPHĐ do Bộ Y Tế cấp.

timeCập nhật lần cuối: 14:15 03/07/2025

Nguồn tham khảo down

[1]. https://trungtamytequan12.medinet.gov.vn/chuyen-muc/suy-than-man-am-tham-o-nguoi-tre-cmobile14390-208190.aspx

[2]. https://vtv.vn/xa-hoi/thieu-may-chay-than-benh-nhan-chat-vat-cho-doi-benh-vien-tuyen-cuoi-qua-tai-20230619110821594.htm

[3]. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17689-kidney-failure

[4]. https://www.healthdirect.gov.au/kidney-failure

[5]. https://www.kidney.org/kidney-health/kidneydisease/siemens_hcp_gfr

[6]. https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC6015368/

[7]. https://laodong.vn/dinh-duong-am-thuc/khuyen-nghi-luong-protein-can-thiet-moi-ngay-1484468.ldo

[8]. https://bvquan9.medinet.gov.vn/tu-van-hoi-dap/che-do-dinh-duong-va-tap-luyen-cho-nguoi-suy-than-cmobile14239-104757.aspx

 

Tin tức liên quan

ThumbnailWeb2

VIÊM ĐƯỜNG TIẾT NIỆU – NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

Đau buốt khi đi tiểu, luôn buồn tiểu hoặc nước tiểu đổi màu bất thường – đó có thể là những dấu hiệu của bệnh viêm đường tiết niệu.

bien chung soi than 02 1 1

SỎI THẬN CÓ NGUY HIỂM KHÔNG? NHỮNG BIẾN CHỨNG NGUY HIỂM SỎI THẬN

Các thành phần trong nước tiểu bao gồm chất khoáng và muối hòa tan, khi hàm lượng các chất khoáng và muối trong nước tiểu cao bị kết tủa lâu ngày tích tụ sẽ hình thành sỏi thận.

Soi than – nguyen nhan dau hieu chuan doan va cach dieu tri

SỎI THẬN – NGUYÊN NHÂN, DẤU HIỆU, CHUẨN ĐOÁN VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

Sỏi thận có thể được hình thành khi nước tiểu có hàm lượng cao các khoáng chất và muối. Sỏi thận có nhiều loại và màu sắc khác nhau. Tìm hiểu ngay bài viết.

soi nieu quan

SỎI NIỆU QUẢN: DẤU HIỆU, NGUYÊN NHÂN, CHẨN ĐOÁN VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

Sỏi niệu quản chiếm đến 28% tỷ lệ sỏi đường tiết niệu và gây nhiều biến chứng nguy hiểm làm cho người bệnh phải nhập viện cấp cứu.

tieu buot

TIỂU BUỐT, TIỂU MÁU – DẤU HIỆU CẢNH BÁO NHIỀU BỆNH LÝ TIẾT NIỆU NGUY HIỂM

BS.CKII. Lê Văn Hiếu Nhân - Phó khoa Ngoại Tổng hợp, chuyên khoa Thận - Tiết niệu - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn cho biết: nhiều bệnh lý nghiêm trọng của cơ thể như nhiễm trùng đường tiểu, bệnh tiểu đường, các bệnh lý liên quan đến bàng quang, thận… được phát hiện thông qua các dấu hiệu của nước tiểu.

Soi tiet nieu nguyen nhan bieu hien chan doan va dieu tri

SỎI TIẾT NIỆU: NGUYÊN NHÂN, BIỂU HIỆN, CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ

Sỏi tiết niệu là một bệnh thường gặp, dễ gây biến chứng như nhiễm khuẩn, suy thận cấp hoặc mạn tính. Nếu được phát hiện sớm thì việc điều trị không quá khó khăn và tránh được nhiều biến chứng sau này.

backtotop
Gọi tổng đài Gọi tổng đài Đặt lịch hẹn Đặt lịch hẹn
Tư vấn