RỐI LOẠN CƯƠNG DƯƠNG VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT
-
Tác giả: BỆNH VIỆN ĐA KHOA QUỐC TẾ NAM SÀI GÒN
-
12/04/2025
-
59
Tìm hiểu về rối loạn cương dương qua bài viết sau để biết được nguyên nhân gây ra tình trạng này nhằm nhận biết sớm và tìm ra giải pháp phù hợp.
Tư vấn chuyên môn bài viết
Bác sĩ chuyên khoa Ngoại Tiết niệu.
Theo thống kê, khoảng 50% nam giới từ 40 đến 70 tuổi mắc phải tình trạng rối loạn cương dương. Và tình trạng này đang ngày càng phổ biến hơn, ngay cả ở những người trẻ tuổi.
Rối loạn cương dương là gì ?
Rối loạn cương dương còn được gọi là bất lực, xảy ra khi dương vật không thể cương cứng hoặc duy trì sự cương cứng đủ để quan hệ tình dục. Đây là một vấn đề sức khỏe thường gặp ở nam giới, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và tâm lý của người bệnh.

Rối loạn cương dương ở người trẻ cũng đang gia tăng do áp lực cuộc sống và lối sống không lành mạnh.
Các loại rối loạn cương dương
Rối loạn cương dương do mạch máu
Sự cương cứng xảy ra khi máu lấp đầy các khoang trong dương vật, khiến bộ phận sinh dục nam trở nên căng cứng. Rối loạn cương dương do mạch máu có thể xảy ra nếu các mạch máu đưa máu đến dương vật bị tắc nghẽn hoặc bị tổn thương.
Rối loạn cương dương do thần kinh
Sự cương cứng không chỉ liên quan đến dương vật mà còn được điều khiển bởi các tín hiệu từ não. Nếu dây thần kinh liên quan bị tổn thương, có thể gây ra rối loạn cương dương.
Rối loạn cương dương do nội tiết tố
Nội tiết tố đóng vai trò rất quan trọng trong cơ thể. Testosterone là hormon chính giúp thúc đẩy đặc điểm thể chất và ham muốn tình dục của nam giới. Nếu mức testosterone thấp, bạn có thể cảm thấy ít hứng thú với tình dục, và điều này có thể dẫn đến rối loạn cương dương.
Rối loạn cương dương do tâm lý
Một số vấn đề tâm lý như lo lắng, ngại ngùng, ức chế, trầm cảm… có thể làm giảm khả năng cương dương.

Yếu tố tâm lý có thể gây rối loạn cương dương
Những người bị trầm cảm có nguy cơ mắc rối loạn cương dương cao hơn khoảng 40% so với những người không bị trầm cảm.
Nguyên nhân rối loạn cương dương
Rối loạn cương dương có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, bao gồm:
- Yếu tố thể chất:
Bệnh lý tim mạch: Những người mắc bệnh tim mạch, cao huyết áp hoặc xơ vữa động mạch thường dễ bị rối loạn cương dương do lưu lượng máu đến dương vật bị hạn chế.
Đái tháo đường: Đây là nguyên nhân hàng đầu gây tổn thương mạch máu và dây thần kinh, làm giảm khả năng cương cứng.
Rối loạn nội tiết tố: Lượng Testosterone thấp hoặc mất cân bằng hormone có thể dẫn đến giảm ham muốn tình dục và khó duy trì sự cương cứng.

Béo phì có thể làm giảm hormone nam dẫn đến tình trạng rối loạn cương dương
Béo phì: Cân nặng dư thừa không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể mà còn làm giảm nồng độ testosterone, dẫn đến rối loạn cương dương.
Các tổn thương hoặc phẫu thuật: Chấn thương vùng chậu, cột sống hoặc phẫu thuật tuyến tiền liệt có thể gây tổn thương dây thần kinh và mạch máu, ảnh hưởng đến khả năng cương cứng.
- Yếu tố tâm lý:
Căng thẳng và lo âu: Áp lực công việc, stress trong cuộc sống là một trong những yếu tố chính gây rối loạn cương dương ở người trẻ.
Trầm cảm: Tâm trạng tiêu cực và mất tự tin có thể làm giảm ham muốn tình dục và khả năng cương cứng.

Tháo bỏ nút thắt tâm lý và giữ tinh thần thoái mái giúp ích trong điều trị rối loạn cương dương
Áp lực trong quan hệ: Mâu thuẫn với bạn đời, lo lắng về hiệu suất tình dục cũng có thể là nguyên nhân gây rối loạn cương dương.
- Lối sống không lành mạnh:
Hút thuốc lá: Nicotine trong thuốc lá làm co thắt mạch máu, giảm lưu lượng máu đến dương vật.

Hút thuốc lá có thể gây ra nhiều bệnh lý trong đó có rối loạn cương dương
Lạm dụng rượu bia: Uống nhiều rượu bia không chỉ làm giảm testosterone mà còn ảnh hưởng đến chức năng thần kinh và tuần hoàn.
Thiếu vận động: Lối sống ít vận động làm suy giảm tuần hoàn máu, ảnh hưởng đến khả năng cương cứng.
Thói quen ăn uống không lành mạnh: Thực phẩm nhiều dầu mỡ, đường và muối có thể gây béo phì và bệnh lý tim mạch, làm tăng nguy cơ rối loạn cương dương.
Rối loạn cương dương ở người lớn tuổi thường chủ yếu liên quan đến các vấn đề về mạch máu. Khi tuổi tác tăng lên, mạch máu có thể bị tắc nghẽn hoặc tổn thương do sự tích tụ của cholesterol và mỡ, dẫn đến giảm lưu lượng máu đến dương vật. Các bệnh lý như cao huyết áp, tiểu đường, hay bệnh tim cũng góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng này. Ngược lại, ở người trẻ, nguyên nhân gây rối loạn cương dương thường mang tính tâm lý hơn. Những yếu tố như căng thẳng, lo âu về hiệu suất tình dục, hay áp lực từ các mối quan hệ có thể ảnh hưởng lớn đến khả năng cương dương. Các vấn đề tâm lý này có thể làm tăng cường tình trạng rối loạn cương dương, khiến họ gặp khó khăn trong việc duy trì sự cương cứng khi cần. Bên cạnh đó, uống nhiều rượu trong thời gian dài cũng có thể làm giảm nồng độ testosterone, loại hormone nam cần thiết để đạt được và duy trì sự cương cứng.
Triệu chứng rối loạn cương dương
Các triệu chứng của rối loạn cương dương có thể khác nhau ở mỗi người, có thể gồm:
- Khó đạt được hoặc duy trì sự cương cứng: Đây là triệu chứng rõ ràng nhất của rối loạn cương dương.
- Giảm ham muốn tình dục: Điều này có thể xuất phát từ các vấn đề tâm lý như căng thẳng, lo âu hoặc do mất cân bằng nội tiết tố, đặc biệt là testosterone.
- Rối loạn xuất tinh: Xuất tinh sớm hoặc khó xuất tinh.
- Cương cứng không đủ: Dương vật có thể cương cứng nhưng không đủ cứng để quan hệ tình dục.
Nhóm người có nguy cơ cao rối loạn cương dương
- Độ tuổi: Nam giới dưới 40 tuổi có thể gặp vấn đề này, và tỷ lệ này tăng lên đến 50% ở những người từ 40 đến 70 tuổi.
- Người mắc các bệnh mãn tính: Tiểu đường, tim mạch, huyết áp cao…
- Người hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia.
- Người ít vận động, béo phì.
- Người từng trải qua phẫu thuật vùng chậu.
- Người có vấn đề về tâm lý: Căng thẳng, lo âu, trầm cảm, khó khăn trong mối quan hệ đều có thể gây ra rối loạn cương dương.
Chẩn đoán rối loạn cương dương
Chẩn đoán chính xác là bước đầu tiên để điều trị hiệu quả rối loạn cương dương. Bác sĩ sẽ tiến hành:
Hỏi về tiền sử bệnh: Các bệnh lý nền, thuốc đang sử dụng, thói quen sinh hoạt…
Khám sức khỏe lâm sàng: Bao gồm kiểm tra tình trạng dương vật, tinh hoàn và các dấu hiệu của vấn đề mạch máu hoặc nội tiết tố.

Khi có những triệu chứng của rối loạn cương dương, người bệnh nên được thăm khám để điều trị kịp thời
Cận lâm sàng:
Xét nghiệm máu và nước tiểu nhằm kiểm tra các vấn đề như tiểu đường, bệnh tim và nồng độ testosterone thấp.
Kiểm tra sức khỏe tâm thần để đánh giá xem người bệnh có bị căng thẳng, trầm cảm hoặc các vấn đề khác có thể dẫn đến rối loạn cương dương hay không.
Siêu âm Doppler: Đánh giá lưu lượng máu đến dương vật.
Điều trị rối loạn cương dương
Tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Một số phương pháp điều trị phổ biến bao gồm:
- Điều trị bằng thuốc: Các loại thuốc hỗ trợ sinh lý uống trước khi quan hệ tình dục sẽ được bác sĩ chỉ định phù hợp. Thuốc được chỉ định để tăng lưu lượng máu đến dương vật giúp cải thiện tình trạng cương cứng khi bị kích thích.
- Liệu pháp thay thế hormone: Bác sĩ có thể kê toa testosterone nếu nồng độ hormone này của bạn thấp.
- Điều trị bằng bơm chân không: Đây là một ống vừa khít với dương vật của người bệnh bao gồm một máy bơm hút không khí từ ống để kéo máu vào dương vật, sau đó người bệnh đặt một vòng đàn hồi quanh đáy dương vật để duy trì sự cương cứng và tháo ống chân không ra. Sau khi quan hệ, người bệnh tháo vòng ra để kết thúc quá trình cương cứng.
- Thay đổi lối sống: Giảm cân hoặc duy trì thói quen tập thể dục để cải thiện các triệu chứng rối loạn cương dương. Nên ngừng hút thuốc, uống rượu, sử dụng các chất kích thích (cần sa hoặc các loại ma túy khác).
- Phẫu thuật: Trong một số trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể xem xét phẫu thuật tái tạo mạch máu hoặc cấy ghép thiết bị hỗ trợ cương dương.
Phòng ngừa rối loạn cương dương
Phòng ngừa là cách tốt nhất để giảm nguy cơ mắc rối loạn cương dương và duy trì sức khỏe sinh lý ổn định. Dưới đây là những biện pháp phòng ngừa hiệu quả:
Duy trì lối sống lành mạnh
Tập luyện thể dục thể thao đều đặn, ít nhất 30 phút mỗi ngày, giúp cải thiện tuần hoàn máu và tăng cường sức khỏe.
Ăn uống cân đối, bổ sung thực phẩm giàu kẽm, omega-3 và vitamin E để hỗ trợ chức năng sinh lý.
Tránh xa thực phẩm chế biến sẵn, nhiều đường, dầu mỡ và muối.
Một chế độ ăn nhiều rau, trái cây, các loại hạt, các loại đậu (đậu, đậu Hà Lan và đậu lăng), cá và tránh thịt đỏ, thịt chế biến sẵn sẽ giảm nguy cơ mắc rối loạn cương dương.
Kiểm soát cân nặng
Thừa cân và béo phì là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ rối loạn cương dương. Giảm cân không chỉ giúp cải thiện sức khỏe sinh lý mà còn giảm nguy cơ mắc các bệnh lý nền.
Hạn chế rượu bia, thuốc lá và chất kích thích
Rượu bia và thuốc lá có thể làm suy giảm lưu lượng máu đến dương vật, ngoài ra các chất kích thích khiến hệ thần kinh bị tổn thương, làm giảm chức năng tình dục.
Kiểm soát căng thẳng và tâm lý
Căng thẳng và lo âu kéo dài là nguyên nhân lớn dẫn đến rối loạn cương dương. Hãy thực hành các phương pháp thư giãn như thiền, yoga hoặc tham gia các hoạt động giải trí để giữ tinh thần thoải mái.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Thăm khám sức khỏe định kỳ giúp bạn phát hiện sớm các bệnh lý tiềm ẩn và có biện pháp điều trị kịp thời.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn có áp dụng Bảo hiểm y tế và Bảo hiểm sức khỏe.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn
Số 88, Đường số 8, Khu dân cư Trung Sơn, Xã Bình Hưng, Huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh
Hotline: 1800 6767
info@nih.com.vn
Cập nhật lần cuối: 10:48 16/04/2025